CEA – một chỉ số tầm soát ung thư đại trực tràng quan trọng
CEA là một glycoprotein có ở màng bào tương của các tế bào màng nhày (mucosal cells) bình thường nhưng số lượng có thể tăng lên trong các ung thư thể tuyến (adenocarcinoma), đặc biệt là ung thư đại trực tràng [6]. Nồng độ trong mô cao nhất của CEA được thấy ở ung thư biểu mô đại trực tràng nguyên phát (primary colorectal carcinomas) và di căn gan của ung thư này, với nồng độ CEA trong màng nhày đại tràng có thể cao gấp 500 lần giá trị bình thường. CEA cũng thể hiện quá mức trong các ung thư biểu mô khác như ung thư dạ dày, vú, phổi, … Từ các tế bào ung thư biểu mô, CEA được bài tiết vào máu tuần hoàn và có thể được xác định bằng phương pháp định lượng miễn dịch (immunoassay).
Gen mã hóa cho CEA là một thành viên của gia đình gen gồm ít nhất 17 gen có cấu trúc tương tự nhau. Do sự giống nhau về cấu trúc của các protein kháng nguyên của các gen này, các kháng thể có thể phản ứng chéo với các thành viên khác của gia đình CEA. Các bạch cầu hạt, các đại thực bào và tế bào lát đường mật cũng chứa các kháng nguyên có khả năng kháng chéo này nên có thể gây (+) tính giả. Vì vậy, các kháng thể đơn dòng được sử dụng để định lượng đặc hiệu CEA không được phản ứng chéo với các kháng nguyên khác của các tế bào hoặc mô này.
CEA có thời gian bán hủy (half-life) là khoảng 2 – 8 ngày [8].
- Sử dụng của CEA
Xét nghiệm CEA có thể được sử dụng để:
– Theo dõi hiệu quả điều trị, xác định giai đoạn, tiên lượng và đánh giá tái phát ung thư đại trực tràng ở bệnh nhân ung thư đại tràng đã được chẩn đoán. Một xét nghiệm CEA ban đầu thường được thực hiện trước khi điều trị như một giá trị “nền”. Nếu mức độ CEA tăng thì có thể được sử dụng để theo dõi đáp ứng đối với điều trị và để xác định xem ung thư tiến triển hoặc tái phát.
– CEA cũng có thể được sử dụng như một dấu ấn của các ung thư tuyến giáp thể tuỷ, phổi, vú, gan, tuyến tụy, dạ dày và buồng trứng.
– CEA trong một mẫu chất dịch cơ thể có thể giúp xác định xem ung thư đã xâm lấn lan rộng đến một khoang cơ thể (ví dụ, dịch phúc mạc, dịch màng phổi hoặc dịch não tủy) [1, 7, 4].
Không phải tất cả các loại ung thư đều sản xuất CEA và một thử nghiệm CEA (+) tính không phải lúc nào cũng do ung thư. Vì vậy, CEA không được khuyến cáo để sàng lọc trong cộng đồng dân cư không triệu chứng.
- Chỉ định
– Xét nghiệm CEA có thể được chỉ định khi một người đã được chẩn đoán là bị ung thư đại tràng. CEA sẽ được định lượng trước khi bắt đầu điều trị và sau đó được xét nghiệm theo thời gian để đánh giá hiệu quả điều trị, tiên lượng và phát hiện tái phát.
– Đôi khi xét nghiệm CEA có thể được thực hiện khi nghi ngờ ung thư nhưng chưa được chẩn đoán. Đây không phải là một xét nghiệm sử dụng chung cho các ung thư vì CEA có thể tăng trong nhiều bệnh lý khác nhau, tuy nhiên nó vẫn có thể được chỉ định để có thể cung cấp thêm thông tin cho chẩn đoán tùy bệnh cảnh cụ thể của lâm sàng.
– Xét nghiệm CEA dịch cơ thể có thể được chỉ định để phát hiện khối u đã xâm lấn hoặc di căn đến các khong cơ thể (ví dụ, di căn lan rộng đến khoang phúc mạc, màng phổi hoặc não) .
- Giá trị bình thường
4.1. Mức độ CEA huyết tương
Mức độ CEA huyết tương ở người bình thường không hút thuốc lá là <2,5 ng/mL [3]. Mức độ CEA ở người hút thuốc lá cao hơn một chút, là <5 ng/mL.Mức độ CEA huyết tương ở người bị bệnh lành tính rất hiếm khi vượt quá 10 ng/mL [6].
4.2. Mức độ CEA trong dịch cơ thểNói chung, mức độ CEA trong các dịch chọc dò ở người không ung thư có giá trị gần như mức độ CEA trong huyết tương người bình thường, cụ thể là:
– Mức độ CEA dịch màng bụng (peritoneal fluid) ở người không ung thư là < 4,6 ng/mL, giá trị cắt là < 5,0 ng/mL [1].
– Mức độ CEA dịch màng phổi (pleural fluid) ở người không ung thư có giá trị cắt là 2,4 ng/mL [7].
– Mức độ CEA dịch não tủy (cerebrospinal fluid) ở người không ung thư là 1,53±0,38 ng/mL [4].
5. Ý nghĩa lâm sàng
5.1. Đối với ung thư đại trực tràng
5.1.1. Sàng lọc và chẩn đoán sớm
Độ nhạy lâm sàng của CEA để chẩn đoán ung thư đại trực tràng là 50%, độ đặc hiệu là 90%, vả lại, tần suất ung thư đại trực trang chỉ là 50/ 100.000 dân/ năm. Điều này có nghĩa là chỉ có 1/ 400 xét nghiệm CEA (+) tính là (+) tính thật; vì vậy, giá trị chẩn đoán (+) tính chỉ là 0,65%. Như vậy, CEA không phù hợp để sàng lọc và chẩn đoán sớm ung thư đại trực tràng trong cộng đồng dân cư không triệu chứng [8].
5.1.2. Tiên lượng
Mức độ CEA có khuynh hướng tăng cao hơn khi bệnh tiến triển. Sử dụng điểm cắt 5 ng/mL, tỷ lệ bệnh nhân có các giá trị CEA tăng tương ứng với các giai đoạn ung thư đại tràng giai đoạn Dukes A, B, C và D là 3-20%, 25-60%, 45-80% và 65-85% [3, 5, 8].
Trong ung thư đại trực tràng, mức độ CEA có thể được sử dụng để tiên lượng và phát hiện khối u còn sót lại sau phẫu thuật. Mức độ CEA trước phẫu thuật cũng là một giá trị tiên lượng và xác định giai đoạn của khối u. Nói chung, các khối u có mức độ CEA cao thường có liên quan đến tiên lượng kém (poor prognosis) [8].
5.1.3. Đánh giá giai đoạn ung thư
Sự kết hợp của CEA với một số dấu ấn ung thư khác (như CA 19-9, …) có thể được sử dụng để đánh giá gia đoạn ung thư trước phẫu thuật và để lựa chọn phương pháp phẫu thuật và cách quản lý bệnh nhân sau phẫu thuật [5].
5.1.4. Theo dõi đáp ứng điều trị và phát hiện tái phát
Sau phẫu thuật ung thư đại trực tràng thành công, mức độ CEA huyết tương sẽ giảm xuống dần và trở về mức bình thường trong 4 đến 6 tuần lễ. Trong ung thư đại trực tràng, việc xét nghiệm hàng loạt CEA huyết tương là một phương pháp không xâm lấn nhạy nhất để chẩn đoán tái phát của khối u sau phẫu thuật cắt bỏ khối u nguyên phát. Đối với mỗi bệnh nhân, một mức độ CEA huyết tương ban đầu được xác định làm nền cho sự theo dõi sự diễn biến của bệnh. Khi mức độ CEA tăng dai dẳng ít nhất trên 2 tháng, có khả năng ung thư bị tái phát. Dựa vào mức độ tăng của CEA, giá trị chẩn đoán (+) tính tái phát sau mổ là 65-84%, giá trị chẩn đoán (-) tính là 85-95% [8].
5.1.5. Phát hiện di căn:
Nếu CEA tăng lên trong một dịch cơ thể thì rất có thể khối ung thư đã xâm lấn sang các vùng lân cận hoặc di căn đến các vùng tương ứng của cơ thể. Ví dụ, nếu CEA được phát hiện tăng trong dịch chọc dò màng phổi thì có thể ung thư đã di căn lên phổi [7]; nếu CEA được phát hiện tăng trong dịch màng bụng thì có thể ung thư đã di căn vào phúc mạc [1, 2]; nếu CEA được phát hiện tăng trong dịch não tủy thì có thể ung thư đã di căn vào tủy sống hoặc não [4].
5.2. CEA trong các ung thư khác
Trong ung thư vú chưa di căn, mức độ CEA chỉ tăng ở 10% các trường hợp và nói chung không vượt quá 5 lần giới hạn trên của giá trị bình thường. Khi kết hợp với CA 15-3, CEA có giá trị trong giám sát ung thư vú, trong phát hiện di căn xương và trong đáp ứng đối với hóa trị liệu. Mức độ CEA cũng có giá trị trong đánh giá tiên lượng ung thư vú [9].
Trong các ung thư khác như ung thư biểu mô dạ dày, thực quản, tụy, phổi, buồng trứng, tuyến giáp thể tủy, cổ tử cung, các di căn xương, …[8], mức độ CEA chỉ tăng khi ung thư tiến triển, tỷ lệ tăng là khoảng 50-70% số các trường hợp .
5.3. CEA trong các bệnh lành tính
Mức độ CEA cũng có thể tăng ở một số bệnh lành tính, gây nên hiện tượng (+) tính giả, chẳng hạn như khi viêm phổi, viêm gan, xơ gan, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm loét đại tràng, polyp trực tràng, khí phế thũng, bệnh vú lành tính, … [8].
Kết luận
- CEA là một dấu ấn ung thư glycoprotein, được sản xuất từ các tế bào màng nhày của nhiều mô khác nhau, có thể tăng trong các ung thư thể tuyến, đặc biệt là ung thư đại trực tràng.
- Xét nghiệm CEA huyết tương được sử dụng để dõi hiệu quả điều trị và sự tái phát ung thư đại trực tràng. Xét nghiệm CEA dịch cơ thể được sử dụng để đánh giá sự xâm lấn và di căn của ung thư.
- CEA được chỉ định chủ yếu để theo dõi hiệu quả điều trị, đánh giá giai đoạn, tiên lượng và tái phát của ung thư đại trực tràng.
- CEA huyết tương thường tăng trong ung thư đại trực tràng tiến triển, giảm về mức bình thường sau phẫu thuật, tăng trở lại nếu tái phát hoặc di căn. CEA dịch cơ thể có thể tăng khi khối u xâm lấn hoặc di căn đến các khoang cơ thể tương ứng.