1. Xét nghiệm sàng lọc các bệnh truyền nhiễm
Xét nghiệm này giúp sàng lọc nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: Viêm gan B, viêm gan C, HIV/AID, lậu, giang mai…
Viêm gan B, viêm gan C, HIV/AID… là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và rất dễ lây nhiễm qua đường tình dục, qua dịch cơ thể hoặc lây truyền từ mẹ sang con. Triệu chứng của những bệnh này ở giai đoạn đầu đều khá mờ nhạt, người mắc gần như không thể tự nhận biết; các bệnh này có thể trở thành gánh nặng trong cuộc hôn nhân.
Tuy nhiên, các cặp vợ chồng hoàn toàn có thể ngăn chặn lây nhiễm chéo nếu phát hiện bệnh kịp thời thông qua xét nghiệm và được hướng dẫn cách chăm sóc, bảo vệ lẫn nhau. Đồng thời, việc này cũng giúp giảm nguy cơ vô sinh, sảy thai, lây truyền cho con…
Các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan B, viêm gan C khó nhận biết trên lâm sàng, nhưng có thể phát hiện dễ dàng qua xét nghiệm.
2. Xét nghiệm sàng lọc các bệnh lý máu và nhóm máu
Xét nghiệm này gồm công thức máu, nhóm máu ABO, Rh.
Đây là xét nghiệm cơ bản nhưng đóng vai trò quan trọng với sức khỏe của phụ nữ và thai nhi sau này. Kết quả xét nghiệm cho biết số lượng, chất lượng các dòng tế bào máu, tình trạng thiếu máu… từ đó, với sự tư vấn hỗ trợ của các bác sĩ , cặp đôi sẽ có cái nhìn tổng thể để chuẩn bị tốt nhất cho quá trình mang thai và nuôi con về sau.
Đồng thời, xét nghiệm này cũng đánh giá sự tương thích về nhóm máu của các cặp vợ chồng. Cụ thể, người phụ nữ có nhóm máu Rh (-), kết hôn với chồng có nhóm máu Rh(+) cần phải được chăm sóc, theo dõi đặc biệt trong quá trình thai kỳ. Bởi lúc này, kháng thể trong máu của mẹ có thể phá hủy các tế bào máu của em bé, đây là nguyên nhân gây sảy thai hoặc thai chết lưu gặp nhiều trong thực tế.
3. Xét nghiệm sàng lọc các bệnh lý mạn tính
Xét nghiệm này gồm các chỉ số sinh hóa, miễn dịch… nhằm đánh giá chức năng gan, thận và những bệnh lý mạn tính thường gặp.
Việc thực hiện xét nghiệm sàng lọc các bệnh mạn tính đặc biệt có ý nghĩa với nữ giới, bởi một số bệnh lý như tim mạch, tiểu đường, suy thận… có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé trong thai kỳ. Xác định rõ tình trạng bệnh lý mạn tính thông qua xét nghiệm mang lại cơ hội chăm sóc sức khỏe chu đáo hơn, bảo đảm cho một thai kỳ khỏe mạnh.
Nhìn chung, các bệnh lý mạn tính cần được sàng lọc phát hiện, giám sát và điều trị sớm, từ đó làm cơ sở cho quyết định kết hôn, mang thai… bảo đảm an toàn cho sức khỏe của cả người phụ nữ và thai nhi trước khi tình trạng trở lên xấu đi và quá muộn.
4. Xét nghiệm bệnh lý di truyền, nguy cơ dị tật bẩm sinh
Xét nghiệm phân tích nhiễm sắc thể đồ, đánh giá cây phả hệ của cả vợ và chồng là cách tối ưu trong phát hiện bất thường trong nhiễm sắc thể, tiên lượng tỉ lệ trẻ mắc các bệnh lý di truyền hoặc dị tật bẩm sinh.
Xét về phương diện di truyền y học, nếu bố hoặc mẹ mang bệnh di truyền do gen trội, trẻ có 50% nguy cơ mắc bệnh. Nếu bố mẹ mang bất thường ở gen lặn, trẻ có 75% nguy cơ di truyền bệnh của cả bố và mẹ, và chỉ có 25% khả năng khỏe mạnh bình thường.
Nguy cơ mắc bệnh di truyền cũng có thể khác nhau ở trẻ nam và trẻ nữ do có một số bệnh liên quan tới đột biến gen trên nhiễm sắc thể giới tính như mù màu hay rối loạn đông máu (máu khó đông).
Tiên lượng tỉ lệ thai nhi mắc các bệnh lý di truyền hay dị tật bẩm sinh giúp tăng khả năng bảo vệ sức khỏe cho em bé sau này
5. Kiểm tra sức khỏe sinh sản
Trong số các trường hợp vô sinh – hiếm muộn, 1/3 nguyên nhân xuất phát từ nam giới, 1/3 do nữ giới. Số còn lại nằm ở sự kết hợp của cả 2 bố mẹ hoặc không rõ lý do. Ngoài các vấn đề liên quan tới di truyền hoặc bẩm sinh thì môi trường sống ngày nay là yếu tố ảnh hưởng xấu tới sức khỏe sinh sản ở cả 2 giới. Vì thế, kiểm tra sức khỏe sinh sản và khả năng sinh con không chỉ là việc dành cho phụ nữ, mà rất cần thiết cho cả cánh mày râu.
Sự phát triển của y học hiện đại đã mang tới cơ hội làm cha mẹ cho nhiều cặp vợ chồng. Điều quan trọng là cần khám sàng lọc nhận biết vấn đề của mình ngay từ trước khi kết hôn để được điều trị sớm, tăng khả năng thành công trước khi nó gây ra sang chấn tâm lý và khủng hoàng trong các mối quan hệ gia đình – xã hội.